Vì sao Lâm Đồng được mệnh danh là vùng trồng chè Ô long lớn nhất cả nước?

Vì sao Lâm Đồng được mệnh danh là vùng trồng chè Ô long lớn nhất cả nước?

Vì sao Lâm Đồng được mệnh danh là vùng trồng chè Ô long lớn nhất cả nước?

Lâm Đồng là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam. Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai mầu mỡ, khí hậu thích hợp và đặc biệt có lợi thế là tỉnh nằm ở độ cao 800-1.000m, nên chất lượng chè của Lâm Đồng được khẳng định là ngon, hương thơm, vị ngọt.

Đã từ lâu cây chè được tỉnh Lâm Đồng xác định là cây xoá đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân đồng thời là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn tỉnh có 25.929 ha…

Trong đó, diện tích chè đang cho kinh doanh 23.791 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 183.571 tấn. Tính ra cây chè tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước. Chè Lâm Đồng đã thành danh từ rất lâu với những thương hiệu nổi tiếng như: Tâm Châu, Lễ Ký, Quốc Thái… Lâm Đồng cũng đã góp những sản phẩm có giá trị cao, được nhiều người sành điệu về trà chấp nhận như: trà Ô Long, trà xanh, trà đen…

Tại Lâm Đồng, cây chè được trồng tập trung chủ yếu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh. Do cây chè đã được trồng từ những năm 20 của thế kỷ trước nên nhiều diện tích chè nơi đây nay đã già cỗi, năng suất thấp. Trong những năm qua, nhất là từ năm 2002 đến nay trong các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cây chè, tỉnh đã tập trung mở rộng diện tích vừa đẩy mạnh “cuộc cách mạng giống”, cải tạo vườn chè đạt năng suất, chất lượng cao và từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, chè sạch. Đến nay, diện tích chè giống mới trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 32%, với 6.340 ha chè cành năng suất cao và 2.075 ha chè cành Ô Long chất lượng cao của Đài Loan (Trung Quốc). Và theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu chè đến năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu nâng tổng diện tích chè lên 28.000 ha, trong đó các giống chè năng suất, chất lượng cao chiếm 55%, đồng thời triển khai nhiều dự án cải tạo vườn chè. 

Theo ông Hoàng Vĩnh Long – Phó Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam: Tất cả các giống chè hương để sản xuất chè Ô long lại ưa nhiệt độ trung bình hằng năm thấp, sẽ phù hợp nhất là đối với các vùng cao, có độ cao so với mực nước biển từ 800m trở lên. Có hai lý do, thứ nhất là nó tạo lên nhiệt độ trung bình trong năm thấp; thứ hai là biên độ ngày đêm cao, sẽ tạo được hương thơm của giống chè này. Khi sản xuất chè ở độ cao như thế thì sẽ phát huy được hương thơm của giống, tạo nên sản phẩm có chất lượng cao.

Còn nếu sản xuất ở các vùng thấp, trước đây chúng ta đã từng thử nghiệm sản xuất chè Ô long tại Thái Nguyên, đây là nơi có thổ nhưỡng tốt, các giống chè trồng ở Thái Nguyên cho chất lượng rất tốt nhưng riêng để sản xuất chè Ô long thì do nhiệt độ trung bình ở Thái Nguyên cao hơn các vùng cao và biên độ nóng lạnh ngày đêm không đạt được, do vậy chè Ô long sản xuất ở Thái Nguyên không phát huy được thế mạnh của nó và nó không tạo ra được chất lượng, hương thơm và hương vị của Ô long. Vì vậy, chất lượng sản xuất chè Ô long sản xuất tại Thái Nguyên không thể bằng các vùng khác, đặc biệt là đối với Lâm Đồng. 

Cũng theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, Lâm Đồng là vùng trồng chè Ô long tốt nhất, vùng thứ hai có thể trồng chè Ô long phát huy được là ở Mộc Châu – Sơn La, đây là vùng có độ cao và biên độ nóng lạnh ngày đêm cao, khoảng cách giữa nhiệt độ ban ngày và nhiệt độ ban đêm sẽ chênh lớn, do đó tạo ra hương thơm trong chè. Vùng này cũng sản xuất được chè Ô long tốt.

Thực tế, hiện có một số vùng cũng tổ chức sản xuất chè Ô long nhưng chất lượng còn đang chưa được thỏa mãn, mặc dù cũng ở vùng cao nhưng có thể là do thổ nhưỡng và một số giống chè còn chưa thích hợp. Ví dụ như ở Sa Pa, cũng có một đơn vị đã trồng khoảng 70-80 hecta chè, họ đã trồng chủ yếu là Tứ quý nhưng khi sản xuất ra thì chất lượng cũng không thể đạt như chè của Lâm Đồng.

Có thể thấy, mặc dù diện tích chè của Lâm Đồng có bị thu hẹp nhưng thu nhập của người nông dân và những doanh nghiệp chè đang có lợi nhuận cao hơn và họ đang hướng đến mô hình sản xuất chè an toàn, bền vững kết hợp với du lịch sinh thái tạo ra các sản phẩm chè chất lượng cao; đồng thời, cung cấp các nguyên liệu cho B’Lao để họ ướp chè hương, đây là truyền thống tạo nên doanh thu của chè Lâm Đồng tương đối ổn định và trong hướng phát triển theo hướng bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

NỘI DUNG NỔI BẬT